Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Làm thế nào để tự tin nói trước đám đông

 Chào bạn, hôm nay là ngày thứ 2 đầu tuần của tháng 8 năm 2021, những ngày tháng vất vả của cả nước khi chúng ta cùng nhau hành động mạnh mẽ để chống dịch Covid19, tôi không biết đến khi nào thì chúng ta mới lại được đứng trước hàng trăm, hàng ngàn người trong những buổi hội thảo hoành tráng để chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm, những bài học về thành công và thất bại để giúp cho nhiều người cũng thành công công hơn, hạnh phúc hơn và giàu có hơn.

Nhưng tôi nghĩ, đây là thời điểm thích hợp nhất để bạn học một cái gì đó bạn muốn, mà bình thường vì chữ "cơm áo gạo tiền" bạn không thể thực hiện nó được

Nói chuyện trước đám đông (hay còn gọi là Public speaking) là một kỹ năng rất rất quan trọng và theo tôi nó rất hay. Người ta hay nói: Chiến thắng lớn nhất của bản thân mỗi người không phải là chiến thắng đối thủ mà chính xác là chiến thắng bản thân mình. Theo một thống kê cho thấy, khoảng hơn 90% những người được phỏng vấn cho rằng "họ sợ nói trước đám đông hơn là sợ chết". Và vì sao lại có nổi sợ này?

Theo tôi, do từ nhỏ chúng ta không được dạy giao tiếp với người lạ một cách đúng phương pháp. Và chúng ta bị môi trường xung quanh tác động khá lớn khi chúng ta làm sai một điều gì đó thì sẽ bị đám đông chê cười, trách móc dưới con mắt nhìn hết sức khó chiu, và chúng ta không đủ sức để đúng lên sau những lần vấp ngã như vậy. Nên vô hình trung não bộ chúng ta tự huyễn hoặc một nổi sợ lớn "sợ nói trước đám đông" và từ đó nó khiến ta "lùi về sau" hoặc chọn cách "im lặng" mỗi khi được mời phát biểu trước hội, nghị, cuộc họp, nhóm bạn bè...

Vậy làm thế nào để chúng ta, không phải sợ nói trước đám đông hay tự tin thể hiện mình, có rất nhiều cách để giúp bạn và sau đây tôi sẽ mách nhỏ bạn một số cách mà tôi vẫn hay thực hiện cho tới bây giờ, hơn 10 năm trên sân khấu:

  1. Liệt kê danh sách những nỗi sợ của bạn (thứ làm bạn luôn sợ hãi trong đầu mỗi khi được nói trước đám đông là gì), hãy liệt kê hết ra, càng chi tiết càng tốt, vì nó cực kỳ quan trọng, chúng ta chỉ chữa được nổi sợ chỉ khi biết bạn đang sợ gì?

  2. Viết nổi sợ ra giấy và nhìn chúng hàng ngày (bạn chỉ triệt tiêu được nổi sợ khi bạn đối diện với chúng, còn nếu bạn càng lãng tránh chúng thì nổi sợ cứ vậy mà phát triển ngày một mạnh hơn), một số nổi sợ mà học viên tôi thường hay gặp: sợ quên những gì mình muốn nói, sợ mình không đẹp trong mắt mọi người, sợ giọng nói mình dỡ quá, sợ người ta cười mình, sợ nói lắp,...
  3. Luyện tập nói trước gương: là phương pháp cực kỳ hiệu quả mà tôi luôn áp dụng, cho dù là 10 năm diễn thuyết trên sân khấu nhưng mỗi khi có một hội thảo lớn tôi cũng có chút hồi hộp vì đối tượng khán giả mỗi lần mỗi khác, cách tôi hay làm là chuẩn bị thật kỹ bài nói của mình sau đó đứng trước gương luyện tập, khi làm như vậy tôi sẽ nhìn thấy mình, gương mặt, ánh mắt điệu bộ mình sẽ như thế nào và sau đó mình sẽ điều chỉnh cho phù hợp

  4. Lựa chọn trang phục phù hợp: trang phục phù hợp chứ không phải trang phục đẹp, bộ quần áo nào mà bạn cảm thấy tự tin khi mặc nó, bộ quần áo cho bạn cảm giác an tâm, tự tin nhất
  5. Cuối cùng là điều cực kỳ quan trọng "tự kỷ ám thị" bạn sẽ đọc được thuật ngữ này trong cuốn nghĩ giàu làm giàu của Napoleon Hills, nhưng ở đây tôi muốn bạn hãy đánh lừa não bộ, đánh lừa cảm xúc của bạn bằng cách lặp lại nhiều lần "tôi tự tin, tôi làm được" , "tôi tự tin, tôi làm được", "tôi tự tin, tôi làm được"

Chúc bạn thành công!

Bạn có thể tham khảo kênh youtube của tôi để có thêm nhiều mẹo nhỏ: BQ Academy Channel

https://www.youtube.com/watch?v=c-hpQaI02Lk&t=20s

Tham khảo các bài viết khác trên: https://bqtraining.edu.vn/

Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

Tài liệu về UX,UI – Thiết kế trải nghiệm người dùng

 


Trong thời gian gần đây rất nhiều nền tảng Platform phát triển của nhiều Startup công nghệ nên có thêm một hình thức ngành nghề mới mà có nhiều bạn trẻ đang theo đuổi: UX, UI Design

UX, UI Design là gì?

  • User Experience/User Experience Design (UX/UXD): Trải nghiệm người dùng/Thiết kế trải nghiệm người dùng

  • User Interface/User Interface Design (UI/UID): Giao diện người dùng/Thiết kế giao diện người dùng

  • Customer Experience: Trải nghiệm khách hàng

Tặng bạn kho ebook, tài liệu quan trọng cho những người đang muốn tìm hiểu hoặc làm UX/UI Design có thêm những kiến thức để phát triển sự nghiệp

Link download:

https://drive.google.com/drive/u/1/folders/1Gxr4I-FF2YHrLd3Xnv8h7i9nEhjSQacN



Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

BÀI HỌC THẤT BẠI KHI KHỞI NGHIỆP

 “3 lần thất bại và những bài học đáng nhớ”

“Thất bại là mẹ thành công”

Dẫu biết câu dạy này luôn đúng, nhưng mấy ai đủ bản lĩnh và niềm tin để đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Khởi nghiệp chưa bao giờ là con đường màu hồng cho bất kỳ ai.

Với tôi, 3 lần khởi nghiệp là nhiều bài học lớn trong cuộc đời để tôi mạnh mẽ hơn trong những bước đi của mình, mạnh mẽ hơn với những sóng gió phía trước

Lần 1: Vào cuối năm 2014, nhận thấy một thị trường ngách trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự, nhóm chúng tôi gồm 3 con người chính (sau này đến 7 người) đã bàn và lập ra mô hình khởi nghiệp SO Group, SO group ra đời với sứ mệnh là một “trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao” để đáp ứng nhu cầu nhân sự cho doanh nghiệp thời bấy giờ (Để nói sơ qua về ý nghĩa của SO, S là biểu tượng hình chữ S của Việt Nam, O được thiết kế cách điệu của trái đất, chúng tôi muốn một giấc mơ tầm cỡ mang VN ra thế giới). Ai cũng nhìn thấy một thực trạng ở những năm đó là, rất nhiều sinh viên ra trường hàng năm không có việc làm, trong khi ở doanh nghiệp thì lại không tuyển được người lao động. Nguyên nhân do đâu? Là câu hỏi rất lớn mà ai cũng bỏ trống, ngay cả nhà giáo dục và nhà tuyển dụng (Doanh nghiệp). Chúng tôi đã tìm hiểu và phát hiện một vấn đề khá lớn trong thời kỳ này là sinh viên chỉ được đào tạo về kiến thức ngành nghề theo chuẩn chung của chương trình giáo dục. Còn cái doanh nghiệp cần là những khả năng thực chiến và đáp ứng thực tế, cũng với những kỹ năng làm việc trong môi trường đa văn hóa (cái này thì sinh viên miền trung cực kỳ yếu). Thế là chúng tôi khởi nghiệp!

Chúng tôi lập ra các mô đun đào tạo chuyên sâu theo yêu cầu và đặt hành của doanh nghiệp, rồi làm việc với các trường, tổ chức hội thảo để tuyển dụng và rất nhiều lớp đào tạo miễn phí được ra đời. Mọi việc rất tốt đẹp cho đến 5 tháng sau, khi mọi nguồn lực về tài chính đã hết thì câu chuyện thu phí bắt đầu được đề cập. Và chúng tôi phải đóng của mô hình kinh doanh này 7 tháng. Lý do vì sao? Có rất nhiều lý do trong mô hình này:

Sự không đồng nhất về chiến lược phát triển của thành viên dự án, sự thiếu hụt về ngân sách, sự thiếu chuyên nghiệp trong tổ chức kết nối và đặc biệt có một yếu tố khách quan có ảnh hưởng rất lớn đó là “chúng tôi chọn sai thị trường” tại thời điểm đó, bạn biết sinh viên miền trung rất khó khăn, nên việc bỏ ra vài trăm nghìn đi học một khóa học kỹ năng với họ là “không tưởng”.

Học viên trong khóa “Chinh phục nhà tuyển dụng”

Lần  2: Dự án xe đạp điện tự chế, vào năm 2016 khi đó thị trường đang có nhu cầu mua sắm xe đạp cho con đi học, cho phụ nữ lớn tuổi đi chợ…Nhưng thị trường lúc đó ngoài ông lớn Hkbike và vài thương hiệu từ Trung Quốc sang thì không có nhiều sự cạnh tranh, giá mỗi chiếc xe đạp điện lúc đó vào khoảng hơn 10 triệu, xe máy điện thì khoảng 13-16 triệu, với số tiền này thì chỉ có hộ gia đình khá giả, giàu mới mua được cho con, còn các gia đình ở quê thì con họ vẫn phải đạp xe đạp đi học thôi. Tôi trăn trở mãi về việc này.

Trong một lần đi du lịch ở Đài Loan, tôi có thấy một sáng chế của họ để làm xe buggy (xe điện chở được nhiều người) bằng động cơ điện và khung sườn tự chế để chở khách du lịch, thế là tôi tò mò và tìm hiểu suốt chuyến đi. Về Việt Nam, tôi tìm nhà cung cấp động cơ điện, các thiết bị phụ trợ và từ  đó chiếc xe 5 trong 1 của tôi ra đời. Năm trong một có nghĩa là 5 Quốc gia trong cái xe của tôi (động cơ điện tôi mua của Nhật, bộ phụ kiện chuyển đổi điện mua của Trung Quốc, xe đạp là hàng Việt Nam liên doanh, dây điện mua ở chợ trời, ốc vít các loại không rõ xuất xứ). Chiếc xe rất đẹp, tôi đã tặng cho mẹ chiếc đầu tiên do tôi “sáng tạo nên” điểm đặc biệt của xe là giá thành rất rẻ, toàn bộ chi phí chưa hết 5 triệu (đi được 60km với vận tốc 20km/h, chở được 2 người, trường hợp hết điện giữa đường thì đạp nhẹ như xe đạp bình thường). Dự án thứ 2 này tôi bán được 7-8 chiếc xe như vậy, nhưng sau một thời gian tôi dừng dự án vì 2 lý do lớn sau: một là vì xe được lắp nhiều phụ kiện tự chế nên không đảm bảo tính đồng bộ và khó khăn trong việc sửa chữa khi hư hỏng, hai là thị trường xe giá rẻ của Trung Quốc không rõ nguồn gốc tràn vào thị trường và ai cũng dễ dàng mua được chiếc xe từ 3-7 triệu. Và còn nhiều lý do nhỏ khác: Tôi làm xe này vì một sở thích và làm thêm vào buổi tối chứ chưa thực sự đam mê mãnh liệt, nên không đủ quyết tâm và mạnh dạn trong việc đầu tư thiết bị và nhân sự, cũng chính vì thái độ đó nên dẫn đến quyết định dừng dự án sớm.

Hình xe đạp điện tự chế 5 trong 1

Lần 3: Cũng là năm 2016, khi tôi đón công chúa đầu lòng đầu tiên, công việc của tôi là giám đốc kinh doanh khu vực miền trung của các thiết bị lớn như xe quét đường, máy hút ẩm, máy vệ sinh công nghiệp nên tôi phải đi công tác liên tục và nhiều ngày. Nói vui tí là giai đoạn đó tôi ở máy bay và ở khách sạn nhiều hơn ở nhà. Chính vì vậy mà tôi trân trọng những giây phút được về nhà cùng vợ và con. Mỗi đem đi ngủ như vậy tôi phải dậy nhiều lần để thay bỉm cho công chúa nhỏ và tôi cảm thấy rất mệt vì điều đó. Tôi tự hỏi, không có cái bỉm nào có khả năng thấm nước nhiều hơn sao. Nghĩ là làm, tôi dành cả ngày hôm sau đi khắp các siêu thị mẹ và bé để tìm, nhưng đáng thất vọng cho tôi là không có cái nào như thế cả. Thế là dự án “thế giới bỉm tả” ra đời. Tôi và một anh ở Đà Nẵng kết hợp cùng nhau trăn trở vấn đề này, chúng tôi may mắn được gặp một người anh, chủ cơ sở sản xuất cũng là một giám đốc tài năng về nghiên cứu sản phẩm và thật may cho chúng tôi khi anh có ý tưởng và đã làm thành công “cấy hạt nano vào bỉm” có khả năng thấm hút gấp nhiều lần bỉm thường. Trong những tháng tiếp theo, chúng tôi phân công nhiệm vụ, tôi và anh ở Đà Nẵng lo phần phát triển thị trường, anh giám đốc kia lo sản xuất, chúng tôi đã phát miễn phí 1000 cái bỉm cho các mẹ kèm phiếu khảo sát đánh giá. Trời ạ! Thị trường cực kỳ tiềm năng, tôi nói trong vui mừng… Chúng tôi đầu tư nhận diện thương hiêu, thiết kế website, tuyển dụng…và tiêu chí của chúng tôi “nơi đâu có thế giới di động thì nơi đó sẽ có thế giới bỉm tả”. Mạnh mẽ là thế, quyết tâm là thế nhưng vào một ngày đẹp trời, vì một vài lý do gì đó tôi cũng không rõ thì anh giám đốc làm chủ công nghệ sản xuất bỉm kia từ chối và rút khỏi dự án. Lúc đó, thật sự là một tin sốc với chúng tôi, bao công sức, tiền bạc bỏ ra…biết làm gì nữa. Thêm quá nhiều bài học nữa được rút ra, tôi thiết nghĩ mình còn quá non trong việc hợp tác, dùng người, nhận định cơ hội và xử lý rủi ro.

Và hậu quả là tôi phải làm công việc tôi vẫn làm hằng ngày thêm 3 năm nữa đến tháng 10 năm 2019 là lần khởi nghiệp thứ 4 của tôi đến nay, ơn giời đã 2 năm trôi qua, tôi vẫn sống, ước mơ trở thành đơn vị tư vấn và đào tạo giúp các doanh nghiệp mSMEs và SME của tôi dần được đông đảo cộng đồng đón nhận. Ông trời như cứ muốn thử thách tôi, vừa bắt đầu lại thì đã gặp ngay dịch Covid, mọi khó khăn chồng chất cứ thể đổ về, nhưng không vì thế mà tôi khuất phục, tôi vẫn lặng lẽ, âm thầm, kiên định với ước mơ của mình, mỗi ngày một chút thôi, tôi dạy sớm hơn, ngủ muộn hơn, đọc nhiều hơn, học bất chấp. Và bây giờ bạn đang đọc bài viết của tôi ở đây.

“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương”

Trong 02 năm qua, tôi đã cho ra rất nhiều khóa đào tạo để giúp các doanh nghiệp có thêm kiến thức về bán hàng, marketing, kỹ năng quản lý công việc. Tôi còn giữ một vai trò khác là mentor, coach cho nhiều bạn trẻ, nhiều chủ doanh nghiệp để giúp họ có thêm định hướng chèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình

Nếu bạn yêu mến tôi và muốn tôi đồng hành trong hành trình khởi nghiệp và vận hành doanh nghiệp đầy thách thức của bạn, đừng ngần ngại, hãy gọi cho tôi vì tôi muốn giúp bạn, và triết lý kinh doanh của tôi là “Follow your step”.

P/s. Kho tài liệu về doanh nghiệp và khởi nghiệp: https://bqtraining.edu.vn/tai-lieu/

Tác giả: Nguyễn Bão Quốc

CEO BQ Training & Consulting Solutions

Phó chủ tịch JCI DaNang 2020

Phó chủ tịch CLB Khởi nghiệp sáng tạo Tp. Tam Kỳ

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

KHỞI NGHIỆP NÊN TRUYỀN THÔNG NHƯ THẾ NÀO?

 Rất nhiều người khởi nghiệp bỏ tiền vào truyền thông nhưng thực chất họ chưa thực sự biết truyền thông cái gì và truyền thông như thế nào cho hiệu quả với ngân sách eo hẹp ban đầu.

Nhiều doanh chủ khi được hỏi truyền thông sản phẩm ra sao? Đa phần câu trả lời  nhận được là chạy quảng cáo facebook, chạy quảng cáo google thông qua (google adwords, SEO), họ phải bỏ ra một chi phí khá lớn để để mua những key word (Từ khóa).

Một câu hỏi được đặt ra “khởi nghiệp nên truyền thông như thế nào cho phù hợp” và “ngân sách cần thiết lập cho hoạt động truyền thông, quảng cáo là bao nhiêu”? Là điều trăn trở của rất nhiều nhà sáng lập.

Các startup đa phần là dân công nghệ hoặc những ngành nghề khác nên không có chuyên môn cụ thể trong lĩnh vực truyền thông, không nắm rõ quy trình và cách thức triển khai nên vô tình tạo nên một gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp khi chọn toàn những kênh truyền thông có phí, làm cho “chi phí càng ngày càng lên mà tên thì không ai biết”.

Truyền thông về tính năng hay truyền thông giá trị.

Câu hỏi đầu tiên trong truyền thông đó là “truyền thông cái gì?” và “truyền thông cho ai?”. Một doanh nghiệp có thể truyền thông sản phẩm, dịch vụ mình đang cung cấp, có thể truyền thông doanh nghiệp, hình ảnh nhận diện doanh nghiệp và quan trọng nhất với một người khởi nghiệp đó chính là truyền thông “câu chuyện khởi nghiệp của người sáng lập”. Truyền thông xây dựng “thương hiệu cá nhân của người sáng lập” gắn với những câu chuyện đời, chuyện trăn trở vì sao họ lại sáng lập ra doanh nghiệp này, tại sao sản phẩm này ra đời, sản phẩm ra đời nhằm giải quyết nhu cầu gì cho xã hội. Người sáng lập họ là ai? Kinh nghiệm làm việc của họ như thế nào? Họ đã phải đánh đổi những gì khi dấn thân vào con đường khởi nghiệp? những khó khăn họ phải trải qua là như thế nào?

Trong thời gian đầu tiên, những người khởi nghiệp cần phải truyền thông triết lý kinh doanh của mình, tầm nhìn sứ mệnh của tổ chức, những giá trị, lợi ích mà sản phẩm và dịch vụ mang lại cho khách hàng, những trải nghiệm riêng biệt của người sáng lập trên con đường kiến tạo ra doanh nghiệp của mình. Tất cả những yếu tố đó sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng trong bài truyền thông của khởi nghiệp.

Một điều rất quan trọng mà rất nhiều bạn khởi nghiệp mắc sai lầm là quá chú trọng về việc truyền thông tính năng sản phẩm mà quên đi lợi ích, giá trị mà sản phẩm thực sự mang lại cho khách hàng là gì. Một điểm không thể bỏ qua là hãy nói lên giá trị khác biệt hay lợi thế cạnh tranh thực sự của sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh của công ty mà thị trường không có hoặc đối thủ cạnh tranh làm chưa tốt.

Marketing tự thân.

Với việc phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, ngày càng có nhiều hình thức để cho người khởi nghiệp có thể truyền thông quảng bá mà không phải tốn nhiều chi phí, người sáng lập cần phải biết tận dụng đòn bẩy công nghệ để tự truyền thông cho chính mình, doanh nghiệp và sản phẩm của mình thông qua các kênh social media như facebook cá nhân, fanpage, zalo, xây dựng website, landingpage, kênh youtube…Đặc biệt hãy tham gia vào các hội nhóm cả offline lẫn online, xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp để nhiều người cùng biết đến. Tuy các kênh miễn phí này mức độ hiệu quả không lớn nhưng với người khởi nghiệp, việc tích tiểu thành đại, góp gió thành bão là điều nên làm để giảm bớt gánh nặng chi phí.

Trong truyền thông chúng ta có 3 yếu tố chính tạo nên tam giác truyền thông đó chính là thời gian, nguồn lực tài chính và yếu tố tự thân. Nếu một doanh nghiệp không mạnh về tài chính, không có nhiều ngân sách cho hoạt động truyền thông và quảng bá thì chúng ta nên nổ lực nhiều hơn trong các hoạt động “marketing tự thân” bằng cách chịu khó tham gia các diễn đàn, các buổi hội thảo, hội chợ, xuất hiện thật nhiều trên các kênh thông tin đại chúng miễn phí và xác định sẽ đi lâu dài với thương hiệu để mang lại hiệu quả nhất định.

Truyền thông 3M

1.Owned Media – Vốn tự có:

– Các loại banner quảng cáo, biển hiệu, poster hoặc catalogue v.v…

– Sử dụng các kênh xã hội phổ biến như Website (đa ngôn ngữ), Ladingpage, mạng xã hội (Facebook, Instagram, Twitter v.v…), youtube, blog,…

– Tổ chức các hoạt động như hội thảo, workshop, buổi thảo luận, chương trình v.v…nhằm thu hút khách hàng.

– Word of mouth (marketing truyền miệng): những điều mà chính các nhân viên nhận xét, đánh giá, chia sẻ về công ty, hãy những khách hàng đã sử dụng sản phẩm dịch vụ của công ty có những đánh giá tốt, nhờ họ giới thiệu bạn bè sử dụng.

  1. Paid Media – Truyền thông trả phí

Đây là hình thức sử dụng những kênh truyền thông phải-trả-tiền thì mới có thể sử dụng các kênh như báo chí, báo mạng, Kols, social media hoặc event cho các hoạt động của bạn. Chạy quảng cáo facebook, google adwords…

  1. Earn Media – truyền thông tự nhiên

Được hiểu là những kênh hỗ trợ thảo luận, phản hồi về thương hiệu một cách tự nhiên, có thể coi “Earn media” là thành quả của những người làm tốt công tác marketing trên 2 kênh: owned media và paid media. Với kênh Earned media thì những cộng đồng có khả năng tương tác tốt lại chiếm một vai trò vô cùng quan trọng như trên mạng xã hội, cộng đồng, hội nhóm…Bạn cần xây dựng chiến lược để truyền thông Earn Media hiệu quả thông qua các bài viết content được đầu tư tốt, video,TVC, phóng sự, tin bài….Các giải thưởng, danh hiệu…

Các chuyên gia luôn có lời khuyên với những nhà sáng lập, trong giai đoạn đầu của khởi nghiệp hãy tận dụng triệt để kênh Owned Media và Earn Media để truyền thông cho doanh nghiệp, nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí ban đầu. Khi doanh nghiệp lớn mạnh, có doanh thu và lợi nhuận, lúc đó cân nhắc thêm kênh Paid Media để đẩy mạnh quá trình phát triển.

Nguyễn Bão Quốc

Founder & CEO BQ Training & Consulting Solutions

Youtube: BQ Academy Channel

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

Có nên xây dựng thương hiệu khi bắt đầu khởi nghiệp?

 


Từ việc bán con cá, mớ rau… đến các sản phẩm cao cấp, tất cả đều được phủ lên mình một cái tên gọi là “Thương hiệu”.

Sản phẩm chính là đứa con tinh thần của người chủ, đặt tên cho đứa con đó như thế nào còn phụ thuộc vào mong muốn mang giá trị gì đến khách hàng. Hiện nay, hai chữ “thương hiệu” được nhắc đến khá nhiều trong công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm hay trong cả đời sống hàng ngày. Thương hiệu trước hết giúp công ty khẳng định họ là ai trên thị trường, giúp khách hàng phân biệt được đâu là sản phẩm của các công ty khác nhau... Vậy khởi nghiệp có nên xây dựng thương hiệu từ đầu?

Một thương hiệu tốt có thể giúp doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN khởi nghiệp thu hút được nhân tài, một thương hiệu uy tín có thể giúp DN nhanh chóng phát triển được mạng lưới kinh doanh và chiếm lĩnh thị trường. Làm thương hiệu quan trọng không kém những khâu khác trong phát triển DN. Tuy nhiên, nhiều chủ DN chia sẻ “phải tập trung bán hàng và marketing để sống đã, công ty không sống thì sao làm thương hiệu được”, đấy cũng là một góc nhìn thực tế. Nhưng theo tôi, trong thời đại ngày nay, nếu chúng ta không bắt đầu làm thương hiệu ngay từ đầu thì rất khó để sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn, và khi bạn làm ra sản phẩm mà không có khách hàng thì bạn cũng không thể sống được.

Khởi nghiệp là giai đoạn tốt nhất để bắt đầu xây dựng thương hiệu, việc làm này cần song hành với các công việc khác như phát triển sản phẩm, sales, marketing… Việc xây dựng thương hiệu nên bắt đầu ngay khi có ý tưởng về sản phẩm, các start-up nên nghĩ đến tên thương hiệu, logo nhận diện, những giá trị mà thương hiệu sẽ mang đến cho khách hàng, những trải nghiệm khách hàng… còn việc truyền thông thương hiệu, chúng ta sẽ làm theo từng giai đoạn, phụ thuộc vào khả năng tài chính và nguồn nhân lực của DN.

Start-up cũng nên cân nhắc thật kỹ xem mình đang ở giai đoạn nào của chặng đường khởi nghiệp, hướng tới thị trường nào, phân khúc khách hàng là ai… để chọn kênh truyền thông cho phù hợp, tránh dàn trải. Sự thành công của thương hiệu không đến từ DN, nó phải đến từ sự cảm nhận và trung thành của người tiêu dùng. Nhiều chủ DN hiện nay hiểu sai về làm thương hiệu và truyền thông thương hiệu. Họ đang nghĩ là làm thương hiệu tốn rất nhiều tiền. Nếu biết cách khai thác, có rất nhiều ứng dụng miễn phí giúp DN có thể tự tay xây dựng nhận diện thương hiệu và truyền thông thương hiệu cho chính mình. Một số ứng dụng có thể kể đến như customer persona, customer journey, thiết kế trực tiếp trên canva… hay những công cụ email marketing miễn phí như mail chimp…

Thương hiệu là cái sống còn của DN, thương hiệu không đơn giản chỉ là tên gọi hay câu slogan bạn đặt, nó đến từ sự nghiên cứu chỉn chu về sản phẩm, về những giá trị khác biệt mà sản phẩm của bạn mang lại cho khách hàng, nó còn là hành trình giúp khách hàng trải nghiệm sản phẩm. Một thương hiệu mạnh sẽ làm giảm rất nhiều chi phí truyền thông cho DN và cũng là tiêu chí để đánh giá khả năng phát triển của DN trên thị trường.

Nguồn: Báo Quảng Nam Online



 NGUYỄN BẢO QUỐC




Thứ Ba, 8 tháng 12, 2020

MÔ HÌNH ĐÀO TẠO 70-20-10

Talent Development: Áp dụng mô hình 70 20 10 giải pháp cho đào tạo trong doanh nghiệp

 

Đây là một mô hình được nhiều ngân hàng nước ngoài như các ngân hàng ANZ, Standard Chartered, Bank of American, Rabobank,…sử dụng thay thế cho mô hình đào tạo truyền thống. Mô hình này do Lambardo & Eichiger công bố từ năm 1996. Cụ thể gồm : 70% từ trải nghiệm thực tế công việc; 20% từ những người xung quanh; 10% từ các khóa học.

Đây là một giải pháp đào tạo hướng đến trải nghiệm của người học hơn là tập trung cho người dạy như các phương pháp đào tạo hiện tại. Trong đó được chia rõ ràng thành 3 phần:

70% từ học và phát triển thông qua trải nghiệm, bao gồm:

Áp dụng các kiến thức đã học vào công việc thực tế

Thực hiện việc tự học và tự phát triển bản thân

Thử nghiệm cách tiếp cận mới cho một vấn đề cũ

Hoán đổi, luân chuyển vai trò/công việc

Tiếp xúc với các bộ phận/vai trò khác

Tham gia vào các dự án và làm việc nhóm

Tăng cường ra quyết định

Trải nghiệm với các nhiệm vụ khó, thách thức

Tương tác với các quản lý cấp trên (báo cáo, thuyết trình, cuộc họp)

Đàm phán, thương lượng.

Hoạt động cộng đồng và tình nguyện

20% từ học và phát triển thông qua người khác, bao gồm:

Quan sát

Tìm lời khuyên, hỏi ý kiến và nghe các ý tưởng

Huấn luyện, kèm cặp từ cấp quản lý

Các kinh nghiệm chia sẻ từ các đồng nghiệp

Các đánh giá và thông tin phản hồi từ khách hàng

10% từ học và phát triển thông qua các khóa học, bao gồm:

Các khóa học tập trung

Các khóa học trực tuyến

Trong mô hình này, nhấn mạnh kiếm thức được hình thành từ 3 phần và trọng số không phải cố định hoàn toàn là 70:20:10 mà có thể thay đổi tuỳ thuộc vào từng người và từng ngành cụ thể mà họ học. Tuy nhiên mô hình này đề cập đến việc kiến thức học được cần đạt 100% thì sẽ phải bao gồm 3 phần và việc lên kế hoạch đào tạo cần được xây dựng cho cả 3 phần này chứ không phải tập trung hoàn toàn và 10% như hiện tại.

Formal learning tuy chỉ chiếm 10%, song các công ty cần xây dựng bản đồ học tập tổng quát (General learning maps) hoặc lộ trình học (learning journey) như là những yêu cầu chuẩn mực ban đầu của công tác đào tạo. Nó là kiến thức nền tảng để thực hành ở 2 phần sau và là nên tảng cho việc đối chiếu, đánh giá mức độ hiểu và làm đúng hay sai.

Social learning là đảm bảo việc học đó khi được làm thực tế (doing) sẽ luôn được sự hỗ trợ từ các mentor hoặc bạn cùng học, trong mô hình truyền thống là các thầy giáo và bạn bè, đồng nghiệp học cùng; đối chiếu kết quả với quá trình trên để hình dung lại mức độ hiểu và thực hành.

Experience learning là quá trình đúng kết lại từ chính bản thân người học để ráp nó vào mảng ghép kiến thức của bản thân mỗi chúng ta, nó đến từ bản thân người học làm việc và nhìn nhận lại bản thân của mỗi chúng ta đối chiếu với phần kiến thức được học. Người học sống với mảng kiến thức mới đó mỗi ngày trong suốt quá trình học tập và làm việc để thẩm thấu nó hoàn toàn.

Mô hình 70:20:10 để phát triển tốt thường theo 3 bước, áp dụng theo thứ tự từ thấp đến cao. Không nhất thiết phải bắt đầu bằng 10 : 20 :70 mà có thể ngược lại. Cũng không phải là trong quá trình training các bạn sẽ trải qua từng phần, từng phần một hết cái này rồi đến cái khác mà nên được đan xen nhau để thấu hiểu và biến thành của bản thân mỗi chúng ta.

Một chương trình đào tạo hiệu quả cần giúp người học xác lập được những hành vi hiện tại đang gặp vấn đề gì và những hành vi nào cần điều chỉnh sau khoá học để gọi là học tập thành công.

Nguồn: HCVN - Bài viết có sử dụng tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau trên mạng 



Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2020

MUỐN HỌC BÁN HÀNG PHẢI BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?

 Rất nhiều bạn trẻ tốt nghiệp ra trường muốn dấn thân vào nghề bán hàng, rất nhiều bạn sau thời gian đi làm muốn ra khởi nghiệp, kinh doanh riêng nhưng họ thực sự vẫn loay hoay chưa biết làm sao để bán được hàng, muốn học bán hàng nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu? đi như thế nào? và trong bao lâu?

Chào bạn!

Tôi là một kỹ sư, và tôi cũng đã từng giống như bạn. Tôi yêu nghề bán hàng, tôi không biết mình phải bắt đâu từ đâu, tôi mất 5 năm trên ghế nhà trường nhưng lại yêu thích một nghề hoàn toàn không liên quan gì đến những gì tôi được học. Tôi chơi vơi, mất phương hướng..!

Và giờ đây với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề bán hàng, quản lý bán hàng, đào tạo bán hàng, giám đốc kinh doanh...Tôi xin chia sẽ những gì tôi đúc kết được để bạn có một lộ trình Phát triển bản thân trong nghề bán hàng

1. Xác định trong tư tưởng: mình là người bán hàng, điều này có ý nghĩa rất quan trọng vì: bán hàng là phục vụ, bán hàng là cho đi, bán hàng là làm dâu trăm họ...Ông bà hay nói "tư tưởng không thông mang bình đông cũng nặng" => Vì sự thành công trong bán hàng không đến từ ngày 1 ngày 2 mà nó là một hành trình dài trải nghiệm, làm việc, học hỏi liên tục...

2. Xác định mục tiêu: Bạn phải biết bạn đi đâu? làm gì? Xác định đúng mục tiêu sẽ tạo động lực cho bạn. Lúc mới vào nghề, tôi chỉ xác định cho mình mục tiêu là"học cái nghề mới để kiếm sống bằng chính nó". nhưng khi cảm thấy "yêu nghề" tôi lại muốn mục tiêu trở thành Chuyên gia đầu ngành "sales expert" và sau này chia sẽ lại cho thế hệ tiếp theo để xây dựng một đội ngũ sales chuyên nghiệp. Mục tiêu bạn có thể là học để có kiến thức để bán sản phẩm do chính bạn làm ra, học để quản lý đội ngũ sales của bạn, học để bán hàng được giỏi hơn...Cho dù là gì thì hãy xác định rõ mục tiêu ban đầu



3. Học - Học - Học: Trong bán hàng, kỹ năng quan trọng nhất là kỹ năng tự học, vì không có ông thầy nào đủ giỏi để dạy tất cả. Nhưng tôi vẫn khuyên bạn, nên tham gia một vài khóa học được tổ chức bài bản từ những chuyên gia trong lĩnh vực bạn muốn học (vd: chuyên gia trong F&B, chuyên gia bán hàng Sales Engineering, chuyên gia bán hàng BĐS, xây dựng,...). Nghe audio book về bán hàng, xem video về bán hàng, tham gia các CLB, đội nhóm về bán hàng...Đọc thật nhiều sách về bán hàng của các tác giả: Dale Carnegie, Brian Tracy, Zig Ziglar,....Salesdog (Blair Singer), Kinh thánh về nghệ thuật bán hàng...

4. Bán (hành động): Học lý thuyết rồi mà không hành động thì cũng bỏ không (bởi vì bạn chỉ nằm ở tầng: Biết), để thực sự HIỂU VÀ TINH THÔNG bạn phải bước xuống đường đi bán, hãy bán bất cứ cái gì để giúp bạn trải nghiệm, đón nhận tất cả từ những lời từ chối, từ thất bại, từ thành công...Đọc thêm bài 4Y2K (Công thức bán hàng tuyệt đỉnh của tôi:https://www.youtube.com/watch?v=cV3h_8Rt4x8&t=213s)

5. Viết nhật ký: Viết lại nhật ký trải nghiệm của bạn từng ngày, lý do gì bạn bán được hàng, lý do gì bạn bị từ chối, bạn cần làm gì để khắc phục, những cảm xúc tích cực và tiêu cực của bạn mỗi ngày khi trở thành một người bán hàng. Hãy viết tất cả lại, nó sẽ là cuốn sổ thần thánh theo bạn và giúp bạn trưởng thành hơn mỗi ngày.

6. Lập kế hoạch để đạt được mục tiêu: Hãy luôn làm việc có kế hoạch, hãy bắt đầu ngày mới bằng một kế hoạch rõ ràng, vd: tiếp cận 10 khách hàng qua telesales, gửi email giới thiệu sản phẩm, hoặc đăng bài truyền thông lên các phương tiện,...Chỉ có một kế hoạch rõ ràng và một cam kết vững vàng, kỹ luật thì mới giúp bạn thành công được

Chúc các bạn có những trải nghiệm vui vẻ với nghề bán hàng, tham khảo thêm những bài viết khác của tôi trên:

web: bqtraining.edu.vn

Blog: bqsolution.blogspot.com

Youtube: BQ Academy Channel


Chuyên gia Nguyễn Bão Quốc vinh dự nhận giải thưởng nhà giáo dục tạo tác động quan trọng nhất (SBC)

  Xuất sắc vượt qua hàng trăm đề cử trên thế giới, ông Nguyễn Bão Quốc đã trở thành 01 trong 05 người (của thế giới) được vinh danh tại buổ...