Thứ Ba, 26 tháng 7, 2022

Làm thế nào để bán được hàng?

Lần gần đây nhất tôi nhận được câu hỏi “làm sao để bán được hàng” trong buổi gặp và tư vấn cho các bạn khởi nghiệp tại Tp.Hội An cách đây khoảng một tuần (trong tháng 7).

Với những người bước ra kinh doanh hoặc khởi nghiệp, câu hỏi của các bạn luôn bắt đầu “làm sao để bán được hàng?” hay “làm sao để bán được sản phẩm”

Mặc dù tôi có nhiều bài viết hoặc nhiều chia sẻ trong các chương trình tọa đàm về kinh doanh và khởi nghiệp của tôi rồi, nhưng thông qua bài viết này, tôi muốn một lần nữa giúp cho các bạn trả lời câu hỏi tưởng chừng  “hóc búa” này.

Giờ tôi hỏi bạn và bạn hãy thành thật trả lời cho tôi nhé. Vd: Tôi nhập về một sản phẩm A giá 10 đồng (thị trường cũng đang bán lẻ sản phẩm này với giá dao động từ 12-15 đồng). Giờ tôi rao bán sản phẩm này với giá 8 đồng, theo bạn tôi có bán được hàng không?

Vậy điều gì sẽ xảy ra khi bán hàng kiểu này? à, chắc chắn một điều là bạn sẽ sớm phá sản và sạt nghiệp nếu tiếp tục bán hàng theo kiểu này đúng không?

Vậy câu hỏi đúng phải là, làm sao tôi có thể bán được hàng (có doanh thu) mà vẫn có lợi nhuận (hoặc lợi nhuận tối đa) (hay gọi là có lời)?

Để giải quyết cho câu hỏi này một cách tốt nhất, bạn hãy giúp tôi trả lời các câu hỏi sau:

  1. Sản phẩm của bạn là gì?
  2. Ai là khách hàng của bạn? và họ đang tập trung ở đâu? (hay nói cách khác thị trường của bạn ở đâu?), hãy sử dụng công cụ custormer persona để làm sáng tỏ điều này hơn.
  3. Họ cần gì ở sản phẩm của bạn? (Hay nói cách khác: Sản phẩm của bạn mang lại lợi ích gì cho họ)
  4. Điểm khác biệt ở sản phẩm dịch vụ của bạn có lợi cho khách hàng là gì? (Hay nói cách khác thứ mà ở sản phẩm của bạn có, đối thủ không có)

Lấy ví dụ: Tôi từng là người bán máy hút bụi cao cấp, dòng máy dùng cho khách sạn-Resort. Khách hàng của công ty tôi là các KS_RS đạt tiêu chuẩn 4 sao quốc tế trở lên, thị trường tôi được công ty giao là 9 tỉnh miền trung và một số tỉnh phía bắc, nơi có phát triển du lịch. Vì là tiêu chuẩn 4 sao trở lên nên đa phần ban giám đốc và quản lý khách sạn rất cần một cái máy hút bụi cho phòng khách sạn đủ sang trọng, đẳng cấp, độ ồn thấp, hoạt động êm, dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng tốt, có thương hiệu uy tín…Một trong những điểm khác biệt lớn nhất ở sản phẩm máy hút bụi công ty tôi có là độ ồn hoạt động của máy chỉ có 58 dB(A) trong khi các máy khác cùng phân khúc đều từ 72-75 dB(A). Máy càng êm thì khi nhân viên làm phòng sẽ không ảnh hưởng đến giấc ngủ của khách.

Tiếp theo, bạn bán sản phẩm, dịch vụ của bạn như thế nào?

Đây là câu hỏi quan trọng về cách thức bạn sẽ bán sản phẩm của mình. Nói theo ngôn ngữ bình dân thì là bán lẻ và bán sỉ, nói theo cách tôi hay dùng trong các khóa đào tạo của mình thì là: Bán hàng theo hình thức B2B (Business to Business): Có nghĩa là bán sĩ, hàng được chuyển từ công ty bạn đến một doanh nghiệp nữa rồi mới ra thị trường (người mua hoặc người dùng cuối), B2C (business to customer): Có nghĩa là bán lẻ, hàng từ công ty bạn bán trực tiếp cho người tiêu dùng (người mua hoặc người dùng cuối).

Lấy vd: Trong sản phẩm máy hút bụi của công ty tôi phía trên, định hướng công ty là bán hàng theo phương pháp B2B, có nghĩa máy từ công ty tôi, được bán cho khách sạn, resort, nhưng người dùng cuối là khách đi du lịch nghĩ dưỡng tại khách sạn, họ sẽ phải trả phí cho toàn bộ dịch vụ mà khách sạn cung cấp (trong đó bao gồm cả việc làm sạch phòng bằng máy hút bụi)

Khi tôi nói ra điều này, thì nhiều bạn lại hỏi “Làm thế nào để em biết sản phẩm em bán B2B hay B2C?”

Như tôi trình bày bên trên, B2B hướng đến khách hàng là doanh nghiệp, các tổ chức mong muốn mua sản phẩm dịch vụ của bạn, B2C hướng đến khách hàng là cá nhân. Ngoài ra, còn rất nhiều đặc điểm khác để giúp ta định hình là B2B hay B2C: Quy trình mua và bán, chu kỳ bán hàng (thời gian dài hay ngắn), giá trị đơn hàng, yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua….

Cũng có nhiều công ty lựa chọn mô hình bán hàng tích hợp cả B2B và B2C, nhưng tỷ trọng sẽ có những tỷ lệ khác nhau, vd: B2B (80%), B2C (20%), hoặc 70%-30%,….Tỷ lệ này không bắt buộc, thường trong quá trình kinh doanh và đúc rút kinh nghiệm từ dữ liệu hàng bán ra bạn sẽ có công thức cụ thể.

Vd: Sản phẩm bạn làm ra, bán vào siêu thị trước khi đến tay khách hàng thì nó là B2B, trường hợp sản phẩm bạn làm ra bán trực tiếp đến tay người dùng thì nó là B2C

Cuối cùng, cách thức tổ chức hoạt động bán hàng của bạn là gì?

Nói nôm na, ngày xưa sau khi làm ra sản phẩm dịch vụ bạn mang sản phẩm đó ra chợ ngồi bán, hoặc có các thương lái vào tận nhà bạn thu mua với giá sỉ và họ mang ra chợ bán với giá lẻ (phần lời chính là phần chênh lệch giữa sĩ và lẻ). Đó là cách thức tổ chức hoạt động bán hàng kiểu truyền thống.

Ngày nay, do hành vi mua hàng của khách hàng có nhiều thay đổi, và sản phẩm trên thị trường cũng đa dạng hàng hóa và mẫu mã nên khách hàng càng ngày càng khó tính hơn đối với một sản phẩm nào đó. Có phải bạn đang thấy có một quy trình mua cụ thể thế này: Ai đó giới thiệu cho bạn một món đồ, bạn chưa mua liền mà bạn sẽ gõ lên internet (Google) để kiểm tra thông tin về sản phẩm được giới thiệu, sau đó bạn sẽ lướt qua một số trang web của một số doanh nghiệp đang bán sản phẩm đó (hoặc tương tự) và so sánh công năng, giá, chất lượng, dịch vụ. Sau đó bạn xem thêm phần bình luận của những khách hàng đã từng mua trước đó xem phản hồi của họ như thế nào, trước khi quyết định có nên mua sản phẩm đó hay không? => Đó là quy trình mua hàng.

Vậy khi bạn biết Khách hàng tiềm năng của mình mua hàng thế nào thì bạn thiết kế quy trình bán hàng (trải nghiệm mua hàng) tương xứng như vậy để khách hàng có những trải nghiệm tốt về công ty bạn, sản phẩm bạn đang bán.

Có nhiều kênh để có thể giúp bạn bán được hàng: kênh truyền thống (offline), kênh hiện đại (online), tích hợp đa kênh (omni).

Với kênh truyền thống: Bạn thực hiện các hoạt động bán hàng tại chợ, siêu thị, đại siêu thị, tạp hóa, điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm, tổ chức samling, xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm,…

Với kênh hiện đại (online): Bạn đẩy mạnh hoạt động bán hàng và marketing thông qua nền tảng: website, facebook, fanpage, youtube, tiktok, linkedin….Hoặc thông qua các trang review,…

Với đa kênh (Omni): Bạn bán đồng thời cả kênh online và offline

Tới đây, bạn biết mình phải làm gì với sản phẩm của mình chưa?

Đúng rồi, bạn cần phải biết KHÁCH HÀNG TIỀM NĂNG của mình là ai, Nam hay Nữ,….và họ đang ở đâu, họ có chơi facebook không, họ có tham gia sinh hoạt với các hội nhóm quanh nơi bạn sống không hay họ ở đâu?

Khi biết họ ở đâu rồi thì bạn mới biết cách tiếp cận họ như thế nào, rồi sau đó mới có cơ hội trình bày về đặc tính và lợi ích của sản phẩm của mình được

Và cuối cùng, kịch bản bán hàng của bạn là gì?

Bạn có đang năn nỉ khách hàng kiểu như: “Anh mua ủng hộ giúp em đi anh, em mới ra kinh doanh, em mới ra khởi nghiệp”, “Chị, mua hàng giúp em đi chị, bán ế quá chị ơi, mua giúp em 1 cái cũng được” hay “Cô, mua giúp con ít đồ về cho cháu ở nhà đi cô”….

Quên đi cái thời “bán hàng là năn nỉ…”

Bởi vì, giờ đây khách hàng rất ghét bị làm phiền, họ rất ghét việc thiếu tính chuyên nghiệp, và rất ghét trong việc làm ăn chập giật…

Bởi vì, khách hàng giờ đây bị quấy rối thông tin, nhiễu loạn thông tin….nên họ rất hoang mang, lo sợ khi bị mua nhầm một cái gì đó

Chính vì vậy, bạn cần phải chuyên nghiệp, bạn cần phải có kiến thức sâu hơn về sản phẩm, dịch vụ của mình, bạn cần thấu hiểu hành vi, tâm tính khách hàng (hay gọi là mức độ đồng cảm)

Làm tốt những điều trên, chắc chắn bạn sẽ bán được nhiều hàng và luôn có lợi nhuận.

Chúc bạn thành công

P.s: Bạn có thể tham khảo thêm khóa đào tạo bán hàng chuyên nghiệp từ tôi, link tham khảo tại đây

Nguyễn Bão Quốc

CEO BQ Training

#nguyenbaoquoc #banhang #salestraining

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2022

Vượt qua rào cản, bán hàng thành công

 Không lạ khi chỉ cần gõ bán hàng B2B thì kết quả tìm kiếm google hiện ra hàng triệu kết quả. Nhưng rất ít thấy bài viết nào nói sâu về "Cách thức vượt qua rào cản trong bán hàng B2B". Với hơn 10 năm kinh nghiệm bán hàng B2B với nhiều mô hình tổ chức, sản phẩm khác nhau. Hôm nay, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm để hi vọng có thể giúp được anh em có thêm nhiều góc nhìn.

Rào cản lớn nhất đối với người bán hàng nói chung vẫn là "ngại giao tiếp" và "sợ bị cho là bán hàng" (khác với sợ bán hàng), có nghĩa là: bạn sợ khi gặp ai đó, gọi điện cho ai đó chỉ đơn giản là xây dựng mối quan hệ nhưng bạn sợ họ nghĩ bạn sẽ "lợi dụng để bán hàng". Gần như hơn 90% những người đồng nghiệp nghề Sales tôi gặp dù có nói hay không nói, dù có tự tin thế nào thì cũng từng bị 2 nỗi sợ này chế ngự.

Vậy vì sao lại có nổi sợ đó, nổi sợ thứ nhất "ngại giao tiếp" nó có thể đến từ môi trường giáo dục bạn được học, môi trường gia đình hoặc môi trường học tập công việc bạn làm, nó tạo cho bạn cảm giác "không an toàn" trong giao tiếp, làm cho bạn luôn có cảm xúc hồi hộp, bồn chồn và lo lắng mỗi khi cầm điện thoại lên gọi cho ai đó hoặc đặt lịch hẹn với ai đó. Bạn sẽ bị người khác chê cười vì ăn nói vụng về, bạn sợ những khoảnh khắc chết lượng giữa chừng khi không biết bắt đầu câu chuyện tiếp theo như thế nào, bạn cảm thấy ngượng ngùng. Bạn sợ làm mất mối quan hệ tốt đẹp với người khác tiềm năng đó và bạn sợ không hoàn thành nhiệm vụ bán hàng => quá nhiều nổi sợ như vậy nó làm cho người Sales mất dần động lực, năng lượng để bắt đầu hành trình.

Chính vì vậy mà bây giờ có ít bạn trẻ chọn nghề Sales trực tiếp, đa phần các bạn sẽ chọn công việc sales thụ động kiểu như: bộ phận marketing đem khách hàng tiềm năng về và giao cho bạn telesales hoặc tư vấn bán hàng qua phần mềm để chốt đơn (vì qua điện thoại hoặc phần mềm là bạn đang dựa vào công cụ, bạn không trực tiếp nhìn biểu hiện cảm xúc của người mua, bạn đỡ sợ hơn). Nhưng tỷ lệ chốt sales theo hình thức này cực thấp, người ta luôn nói "túi tiền của khách hàng gần trái tim hơn là gần trí óc). Chính vì vậy, bạn cần tìm mọi cách làm cho khách hàng yêu mến và có cảm xúc tích cực với bạn thì khách mới chịu chi tiền cho bạn.

 

Làm sao để vượt qua được rào cản này. Câu trả lời duy nhất đó là, hãy trả lời câu hỏi "Tại sao bạn chọn nghề sales" và "Động lực để bạn làm sales mỗi ngày là gì?"

Có những người sinh ra đã phù hợp với nghề sales rồi, nhưng có những người phải cố gắng học hỏi, và nổ lực không ngừng mới tồn tại được với nghề sales. Rất nhiều tâm thái của người làm sales khác nhau: Có người yêu thích nghề bán hàng, họ được cho là nghề chọn người, cũng có những người vì một lý do nào đó bắt buộc phải chọn làm sales (chưa tìm được việc phù hợp thôi thì làm đại, chưa có công việc như ý muốn, muốn học hỏi thêm thời gian sau đó đổi nghề khác...).

Động lực lớn nhất của tôi ngày xưa khi làm sales (Tôi tốt nghiệp kỹ sư loại ưu) là:

  1. Nó phù hợp với con người và tính cách của tôi (là người thích giao lưu, nói chuyện, chia sẻ, hoạt bát,)
  2. Nó cho tôi thêm nhiều cơ hội học hỏi và phát triển bản thân (tôi rất thích học và đọc, đặc biệt là trải nghiệm)
  3. Nó cho tôi tự do quyết định tài chính của mình (tôi không thuộc típ người bị gò bó trong một công việc, nhận một mức lương cố định, tôi thích tự quyết định số tiền tôi nhận được hơn)
  4. Cho tôi thử thách (con người tôi cứ hễ làm việc gì lặp đi lặp lại là tôi nhanh chán và tôi phát hiện nghề sales là nghề luôn có thử thách hằng ngày từ những khách hàng dễ tính đến khó tính, doanh số luôn phải tăng, KPI luôn phải hoàn thành, vị trí sales luôn thay đổi, các khoản hoa  hồng, thường KPI...)

Chính đó là những động lực để tôi chủ động hơn trong việc đặt ra những mục tiêu cần phải chinh phục cho bản thân mình.

Rào cản thứ 2 mà tôi nói đến "Thời điểm bắt đầu", có một câu nói: ""Thời điểm tốt nhất để trồng cây là hai mươi năm trướcThời điểm tốt thứ hai chính là ngày hôm nay" rất nhiều người nói thì rất hay nhưng khi bắt đầu thì lại tìm nhiều lý do hoãn cho việc phải bắt đầu của mình

  • Tôi chưa chuẩn bị kỹ kịch bản
  • Tôi chưa có công cụ để bán hàng
  • Tôi chưa học kiến thức sản phẩm
  • Tôi chưa....

Cái điệp khúc "Tôi chưa" đó nó cản trở bạn từ ngày này đến ngày nọ, tháng này qua tháng kia và cuối cùng bạn ngồi nhìn lại một năm qua đi mình vẫn chưa làm được gì? Và điều duy nhất tôi muốn nói với bạn là: BẠN MUỐN LÀM GÌ HÃY LÀM NGAY ĐI. Đã có quá nhiều cái gọi lại "Ngày mai" rồi.

Để thực hiện được điều bạn muốn, hãy phác thảo ra giấy

  1. Bạn muốn làm gì ? (Tại sao bạn phải làm việc đó)
  2. Bạn sẽ làm nó bằng cách nào?
  3. Khi nào bạn sẽ làm nó (deadline)?
  4. Nếu bạn không làm nó, bạn sẽ chịu hình thức kỷ luật gì cho bản thân mình

Chúc bạn thành công !

Đến với khóa học: Seri Sales Success tôi sẽ giúp bạn vượt qua mọi rào cản và trở thành một chiến binh bán hàng xuất sắc. Mời bạn  tham khảo chi tiết khóa học

tại đây

Bạn có thể tham khảo các khóa học khác từ BQ Training:


Nguyễn Bão Quốc

Founder & CEO BQ Training & Consulting

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2022

CỐ VẤN KHỞI NGHIỆP, VÌ SAO MỖI NGƯỜI NÊN CẦN MỘT CỐ VẤN

 

  1. Cố vấn khởi nghiệp, họ là ai?

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về người cố vấn khởi nghiệp từ các chuyên gia và các tổ chức quốc tế. Nhưng với tôi, sau hơn 5 năm trong vai trò người được cố vấn (mentee) và 3 năm trong vai trò là người cố vấn khởi nghiệp (mentor), theo tôi cố vấn khởi nghiệp là những người có hoặc không có chuyên môn khởi nghiệp, kinh doanh hay làm doanh nghiệp. Điều quan trọng là người cố vấn (mentor) phải là người có đủ tâm và tầm, sẵn sàn cho đi và chia sẻ để dẫn dắt các dự án khởi nghiệp, dẫn dắt những nhà sáng lập, đồng sáng lập.

Rất nhiều người quan tâm đến vấn đề: Nếu cố vấn khởi nghiệp mà không có chuyên môn thì có làm được không?

Có một điều, mối quan hệ mentoring là hành trình dài xây dựng niềm tin, một hành trình gắn kết mà ở đó không chỉ có sự cho và nhận. Mà nó còn là sự lắng nghe, đồng cảm, thấu hiểu...Đôi khi, người mentor chỉ đóng vai trò là “người cố vấn tinh thần” cho một nhà sáng lập hoặc một dự án nào đó. Đơn cử: Một trong những người cố vấn của Steve Jobs là Thiền sư Kobun Chino Otogowa (Nhật bản) và mối quan hệ này kéo dài tận 20 năm (cho đến khi thiền sư Otogowa qua đời).

Bạn có chuyên môn, bạn có thể chia sẻ nó cho người được cố vấn (mentee) những lời khuyên (với điều kiện mentee muốn nhận nó), nhưng nếu bạn không có chuyên môn thì bạn có sự trải nghiệm, bạn có khả năng lắng nghe, thấu hiểu hoặc bạn có thể kết nối với những người có thể giúp mentee của mình.

Với hơn 3 năm trong vai trò của một Mentor tôi thấy đôi khi chuyên môn chưa phải là điều quan trọng nhất trong hành trình mentoring, có những dự án tôi hoàn toàn không có chút kiến thức, kinh nghiệm hoặc trải nghiệm nào. Với tôi, tôi hay tập trung vào phát triển con người, giúp mentee tìm thấy chính bản thân họ trong công việc, cuộc sống và giúp họ có thêm nhiều góc nhìn đa chiều hơn để họ có thể ra quyết định tốt hơn.

Hình ảnh: Buổi giao lưu chia sẻ với các học viên khóa cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng.

  1. Vì sao cố vấn khởi nghiệp là thành phần quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương.

Theo kinh nghiệm của tôi, người cố vấn khởi nghiệp mang lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng khởi nghiệp, cụ thể:

  • Họ có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm khởi nghiệp, những bài học thất bại và thành công, giúp cho người khởi nghiệp có thêm niềm tin, động lực, tinh thần khởi nghiệp
  • Họ mang đến cơ hội kinh doanh, giúp người khởi nghiệp có thêm nhiều mối quan hệ chất lượng
  • Người khởi nghiệp có cơ hội tiếp cận mạng lưới kinh doanh, mạng lưới cố vấn để có thể lắng nghe, học hỏi thêm những điều khác
  • Người khởi nghiệp được đào tạo kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế, được truyền cảm hứng từ người cố vấn của mình.
  • Người cố vấn với sự đồng cảm, thấu hiểu và nhiều trải nghiệm sẽ cho người mentee nhiều góc nhìn đa chiều, giúp mentee có khả năng ra quyết định tốt hơn
  • Và một phần nhỏ: đôi khi mentor cũng trở thành những nhà đầu tư giai đoạn ban đầu cho người khởi nghiệp (một khoảng đầu tư nhỏ giúp cho các dự án khởi nghiệp có thêm động lực).

 

  1. Người cố vấn khởi nghiệp (mentor) họ làm gì?

Mentoring là hành trình tự nguyện giữa người cố vấn (Mentor) và người được cố vấn (mentee), hành trình mentoring thường kéo dài, có chương trình thì 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng hoặc nhiều hơn nữa: 5 năm, 10 năm...

Trong suốt hành trình dài này, người cố vấn dùng kỹ thuật đặc câu hỏi, dùng cách kể chuyện, chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm của họ để giúp cho người được cố vấn thấu hiểu bản thân, nâng cao kỹ năng lãnh đạo và năng lực giải quyết vấn đề, ra quyết định.

Trên thực tế, người mentor sẽ phải đóng nhiều vai trò khác nhau trong suốt hành trình mentoring diễn ra, tùy theo mức độ phát triển của người mentee hoặc dự án khởi nghiệp

Đôi khi, người mentor sẽ trong vai trò của người trainer (nhà đào tạo): giúp cho mentee nhiều kiến thức chuyên môn, chuyên ngành. Đôi khi mentor lại hóa thân trong vai trò là người huấn luyện viên, với những kỹ năng đặt câu hỏi giúp mentee tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong hành trình khởi nghiệp. Và cũng có khi mentor lại trở về với vai trò là người truyền động lực, truyền cảm hứng cho mentee những lúc họ nản lòng, nhụt chí....

Hành trình Mentoring chỉ thực sự đem lại hiệu quả khi và chỉ khi được xây dựng trên cơ sở niềm tin và sự lắng nghe, chia sẻ thật lòng. Mối quan hệ 2 chiều này muốn bền vững thì cả mentor và mentee đều phải nhận được giá trị từ hành trình mentoring này. Sẽ không bền vững khi nghĩ rằng mentoring là mối quan hệ giữa bên cho (mentor) và bên nhận (mentee).

Hình ảnh: Cố vấn cho dự án khởi nghiệp Ecosoi – dự án đạt giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia năm 2021.

  1. Ai có thể làm cố vấn khởi nghiệp.

Lý tưởng nhất để trở thành người cố vấn khởi nghiệp vẫn là những doanh nhân thành công, giàu kinh nghiệm và nhiều trải nghiệm. Họ không nhất thiết phải có những thành tựu kinh doanh đồ sộ, những kinh nghiệm thương trường, những va chạm thực tế trong công việc kinh doanh, khởi nghiệp, những mối quan hệ làm ăn, mạng lưới kết nối kinh doanh...là những nguồn tài nguyên cực kỳ quý báu đối với những người mới bước chân vào con đường khởi nghiệp, lập nghiệp.

Động lực nào để những doanh nhân này trở thành người cố vấn khởi nghiệp.

Mặc dù công việc kinh doanh bận rộn, họ còn phải thu xếp thời gian cho gia đình, đối tác, bạn bè, nhưng họ cũng là con người, họ cũng có những nhu cầu như được yêu thương, được tôn trọng, được cho đi và sống có trách nhiệm xã hội. Họ mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm, trải nghiệm của mình để giúp người khác tránh đi những thất bại không đáng có, tiết kiệm được nguồn lực, thời gian và sớm chạm tới mục tiêu kinh doanh thành công.

Nguyễn Bão Quốc

 

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

Khám phá bản thân, cách tìm kiếm mục tiêu của cuộc đời bạn.

 

Làm thế nào để biết mình muốn gì, cách tìm kiếm mục tiêu cuộc đời.

Trong nhiều chương trình tọa đàm tôi hay tham dự ở các trường đại học, câu hỏi tôi gặp nhiều nhất ở các bạn sinh viên là: Anh có nghe nói khủng hoảng tuổi thanh niên không ạ? (tuổi thanh niên theo định nghĩa của các bạn từ 20-24 tuổi), ý của các bạn cụ thể là thế này:

  1. Em năm nay 21 tuổi, nhưng ngoài ăn học ra em cảm thấy sao cuộc đời nó chán, em không cảm thấy vui?

  2. Em gần tốt nghiệp ra trường rồi mà em thấy mông lung quá anh ạ, em thấy những thứ mình học và thứ mình muốn sao nó xa vời

  3. Em không biết mình thực sự muốn gì

  4. Em học Bách khoa nhưng lại muốn làm Marketing, em phải làm gì hả anh?

  5. Em vẫn chưa biết sau này mình sẽ làm gì.

Bạn tôi ơi, bạn có đang rơi vào tình huống này không? Nếu có, bạn đã làm gì để tìm kiếm mục đích sống, mục tiêu cuộc đời bạn. Nếu bạn đã tìm được rồi, bạn có thể chia sẻ câu chuyện của bạn dưới phần bình luận (hoặc bạn có thể gửi cho tôi để tôi gửi đến hàng nghìn bạn sinh viên đang bị Lạc lối ngoài kia được không, email của tôi là: baoquocxp@gmail.com). Câu chuyện của bạn chắc chắn sẽ là nguồn cảm hứng cho rất nhiều người ngoài kia và biết đâu sẽ giúp được họ. Cảm ơn bạn

Bằng kinh nghiệm của mình đã giúp được nhiều người tìm thấy mục tiêu sống của mình qua các chuyên đề “Định vị mục tiêu, định hướng cuộc đời” tôi có vài điều thú vị mà tôi nghĩ sẽ giúp bạn được đấy.

Thứ 1: Bạn đừng quá hoang mang khi rơi vào cái bẫy của cuộc đời là “không biết mình làm gì, mình là ai“, tôi cá với các bạn có hàng triệu người ngoài kia cũng giống bạn và tôi cũng từng rơi vào trạng thái này những năm 2010 khi tôi chuẩn bị tốt nghiệp. Tôi là một kỹ sư Bách Khoa tốt nghiệp thuộc hàng Top sinh viên xịn xò đấy, nhưng đời trớ trêu thay, tôi đi làm 8 tháng ở vị trí kỹ sư ở một tập đoàn lớn nhất nhì VN thời điểm đó mà tôi chẳng thấy vui chút nào? Tôi loay hoay với câu hỏi: Tôi là ai?, tôi sinh ra để làm gì? tôi muốn sau này trở thành ai? Ai là người tôi ngưỡng mộ? Tôi đi làm chỉ để nhận lương tháng hay tôi muốn điều gì nữa?

Nó ám ảnh tôi hàng đêm, nó làm sức tôi kiệt quệ và tôi không thể tập trung hoàn thành tốt công việc được.

Sau đó tôi hỏi những người quanh tôi, đầu tiên những người thân trong gia đình, những đứa bạn, rồi những người đồng nghiệp. Đa phần họ cho tôi là dở hơi, họ cũng đưa ra lời khuyên như bác học, nhưng chủ yếu theo góc nhìn của họ và thực sự họ cũng chưa chắc biết họ là ai, họ muốn gì? Ba mẹ thì khuyên tôi đừng nghĩ viễn vông, tập trung công việc với cái nghề con đã chọn mà bao người mơ ước cũng không được đi, rồi vài năm có vốn liếng lấy vợ sinh con, xây dựng gia đình riêng của mình.

Không lẻ đời mình lại tẻ nhạt như vậy sao? Nó lại càng làm tôi bấn loạn.

Tôi quyết tâm hỏi chị Google. Chị Google ơi chị Google, chị có thể trả lời giúp em: Em là ai và em làm được gì sau này không chị? Chị google thần thông quảng đại như thế mà cũng bó tay. Nhưng chị lại gợi ý hay là em làm trắc nghiệm tính cách để chọn nghề đi. Và tôi nghe theo lời khuyên chí lý này.

Sau hàng chục trắc nghiệm tính cách từ các trang mạng tôi được cho một lời khuyên khá chung là hãy làm những công việc có tính chất hướng ngoại và xã hội kiểu như: Bán hàng, marketing, giám đốc, kinh doanh, đối ngoại, MC, ca sĩ…

Hả…tôi há hốc mồm, tôi sao có thể làm được mấy cái này kia chứ…tôi có được đào tạo hay học hành gì đâu, tôi cũng đâu có năng khiếu mấy cái âm nhạc, nghệ thuật nào? Hoang mang quá đi mất, thà đừng trắc nghiệm còn hơn…Tôi cố lờ đi những cảm giác hiện tại và cố gắng sống với thực tại công việc tôi đang làm, cố lãng tránh những suy nghĩ bâng quơ đó….Nhưng chỉ được vài ngày, rồi cái gì đó trong tôi lại trỗi dậy, giọng nói nhỏ trong đầu nói với tôi: “mày phải thay đổi, mày phải sống cuộc đời ngoại hạng, mày sẽ đi đây đi đó, gặp gỡ nhiều người thành công và nói những câu chuyện thành công, mày có thể giúp được nhiều người thành công”

Tôi lại hỏi chị google, ai là người thay đổi được xã hội, chị google trả lời có nhiều thành phần nhưng trong đó tôi nhớ nhất là: Chính trị gia, doanh nhân, nhà khoa học. chính khách…Chính trị gia thì tôi chịu rồi, vì là con nhà nghèo không có gì, nhà khoa học lại càng không vì chỉ số IQ của tôi cũng không cao. Thôi thì mình thử làm doanh nhân vậy.

Tôi lại hỏi chị google ” làm thế nào để trở thành doanh nhân thành công”, thời điểm đó có một bài viết đưa ra 18 tiêu chí để trở thành một CEO thành công và một trong số đó có tiêu chí: Bán hàng giỏi. Vậy là hành trình trở thành Salesman của tôi bắt đầu từ đó.

Tôi học mọi thứ liên quan đến bán hàng, nghệ thuật bán hàng, nghệ thuật đàm phán, chốt sales. Rồi lân la đi học các khóa về lập kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính, cách xây dựng chiến lược, …rồi học kỹ năng về lãnh đạo, quản lý, khảo sát thị trường.

Tôi làm việc ngày từ 10h-12h mỗi ngày, tôi làm nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn và lắng nghe nhiều hơn. Tôi tham dự tất cả hội nghị, tham gia thành viên nhiều tổ chức với mong muốn mở rộng mối quan hệ của mình. Tôi hỏi những người cố vấn, họ đánh giá về tôi như thế nào, vì những người khác họ nhìn thấy điểm mà tôi không nhìn thấy ở mình (Bạn có thể tham khảo thêm cửa sổ Johari – công cụ giúp khám phá bản thân tại đây)

Bạn học được gì từ câu chuyện trên, bạn có thấy có một kỹ năng được đề cập ở đây không. Chính xác, đó là kỹ năng Đặt câu hỏi? Hãy hỏi bản thân mình 5 lần câu hỏi: “Làm thế nào để +…..” Vd: Làm thể nào để trở thành giám đốc, làm thế nào để khởi nghiệp, làm thế nào để trở thành chuyên gia….

Hình: Cảm nhận của một sinh viên khi tham dự khóa - Định vị bản thân

Thứ 2: Kỹ năng nói chuyện trước công chúng

Một trong những kỹ năng quan trọng của người lãnh đạo là kỹ năng nói chuyện trước công chúng. Tôi được xếp vào hệ nhút nhát, biểu tôi đứng phát biểu trước ai đó thì thà tôi từ đào hố chui xuống đó còn hơn. Tôi bị đơ như cây cơ mỗi khi được mời phát biểu. Nhưng một trong những kỹ năng để trở thành một CEO thành công là phải kiểm soát được cảm xúc trong những bài nói chuyện trước công chúng của mình. Và thế là tôi bắt bản thân đến lớp MC – nghệ thuật thuyết trình trước công chúng, và tôi đã theo nó suốt 5 tháng ròng. Đấy lại là một khoảng khắc thay đổi cuộc đời tôi sau này, để dẫn lối tôi trở thành một diễn giả, một người nói chuyện trước công chúng như hôm nay. Tôi say mê với nó, tôi như được sống với chính mình khi trên sân khấu với ánh đèn, với âm nhạc, với micro, với những tràn pháo tay hưởng ứng của khán giả…

Có câu nói “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn” nhưng với tôi thì câu nói phù hợp nhất vẫn là “hãy theo đuổi sự thành công và đam mê sẽ dần lớn lên trong bạn” hàm ý của câu nói này là: Hãy làm bất kỳ một việc gì với tinh thần và thái độ tốt nhất, hãy tập trung về nó với 100% sức lực của bạn, bạn sẽ gặt hái được thành công và từ đó đam mê sẽ dần hình thành trong bạn, bạn sẽ càng hi sinh vì đam mê đó và thành công lại càng tới với bạn một cách rất vinh quang.

Bạn học được gì từ bài học này: Ý tôi muốn nói ở đây, dù bạn muốn làm gì hãy làm HẾT MÌNH VÀ TINH THẦN TẬP TRUNG 100% SỨC LỰC, bạn sẽ tìm thấy Đam mê và thành công.

Chúc bạn thành công và hạnh phúc

P.s: Nếu bạn chưa tìm thấy được điều mình muốn trong cuộc đời này, nếu bạn muốn gặp tôi để chúng ta cùng tâm sự, tôi mời bạn tham gia vào lớp: Kỹ năng xây dựng mục tiêu của BQ Training tại đây

Nguyễn Bão Quốc

Founder & CEO BQ Training

Người truyền cảm hứng khởi nghiệp

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2022

STARTUP XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU NHƯ THẾ NÀO

 Khi nhắc đến sữa ở Việt Nam, chắc hẳn ai cũng sẽ nghĩ  ngay đến Vinamilk hoặc TH True Milk, nhắc đến nước ngọt chắc hẳn ai cũng sẽ hiện trong đầu 2 thương hiệu: Coca-cola hoặc Pepsi…Và đã từng có một thời gian dài, trên tất cả các tuyến đường dọc từ Bắc vào Nam đâu đâu cũng thấy biển hiệu “tại đây có sửa xe Honda” và cái tên “Honda” gần như ăn sâu vào tư tưởng của mọi người dân Việt Nam đi xe máy.



Từ đâu, những cái tên thân thuộc như: Apple, SamSung, Vinamilk, Honda…được nhắc đến nhiều, được nhớ đến hoặc liên tưởng đến ngay khi ta nhắc đến một điều gì đó liên quan. Những thương hiệu đó đã trở thành biểu tượng của niềm tin.

Vậy làm thế nào để một doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) non trẻ có thể xây dựng thương hiệu trở thành biểu tượng như vậy. Tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm từ những trải nghiệm tư vấn cho nhiều dự án xây dựng thương hiệu tại thị trường Việt Nam.


Thứ nhất: Thương hiệu phải bắt đầu từ sự uy tín

Trong giai đoạn đầu của khởi nghiệp (thường thời gian khoảng 1-3 năm đầu) giá trị thương hiệu của bạn hoàn toàn phụ thuộc vào uy tín của bạn và công ty bạn, uy tín từ sản phẩm, dịch vụ bạn làm ra, uy tín từ việc xây dựng và định vị hình ảnh thương hiệu, uy tín trong việc phát triển thị trường, uy tín trong khâu chăm sóc sau bán hàng và xử lý khủng hoảng truyền thông (nếu có). Thường trong giai đoạn này, có một số ngành nghề, sản phẩm sẽ gắn với thương hiệu cá nhân (nhân hiệu) của người sáng lập, nên uy tín và phong cách sống của người/ đội ngũ sáng lập cũng ảnh hưởng nhiều đến hình ảnh thương hiệu.

Thứ 2: Chất lượng sản phẩm

Là yếu tố quyết định rất lớn trong thành công của một thương hiệu, một sản phẩm không có chất lượng hoặc không đáp ứng các mong muốn của thị trường thì đừng nghĩ đến chuyện “xây dựng thương hiệu”. Khách hàng sẽ không quay trở lại mua hàng lần nữa cho một sản phẩm dở tệ. Định vị thương hiệu chỉ tồn tại trong tâm trí khách hàng khi chỉ khi họ nhớ đến nó và mua nó nhiều lần trong đời của họ.

Trong các thông điệp quảng cáo, chiến lược tốt nhất là có được sản phẩm với chất lượng tốt nhất, nhưng sẽ tốt hơn nữa nếu đó là sản phẩm đầu tiên. Ai cũng nhớ sản phẩm đầu tiên, ít ai nhớ sản phẩm thứ 2, thứ 3...

Thứ 3: Bao bì, nhãn mác

Ông bà ngày xưa có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhưng ngày nay chắc phải đổi lại thành “Vừa tốt gỗ và vừa tốt nước sơn” mới đúng. Với thị hiếu và nhu cầu hiện tại của khách hàng. Với xu hướng ngày càng yêu cái đẹp, thích sự độc đáo mới lạ, khách hàng thích những sản phẩm có hình thức bắt mắt, đẹp, tinh xảo và mang hình ảnh tượng trưng…Trong thế giới có hàng vạn sản phẩm cùng được trưng bày trên kệ như hiện nay làm rối loạn ánh nhìn của khách hàng, chính vì vậy bao bì, nhãn mác lại là điểm quan trọng để thu hút sự chú ý của khách hàng đến sản phẩm của bạn.

Thứ 4: Câu chuyện thương hiệu

Khách hàng thích mua một sản phẩm có một câu chuyện gắn liền với nó và nếu được câu chuyện đó có liên quan tới cuộc đời họ thì quá tuyệt vời.

Ví dụ về một câu chuyện tôi từng tư vấn về một thương hiệu bột ngũ cốc:

Tôi là một bà mẹ bỉm sữa, nổi đau của tôi khi nuôi con bằng sữa mẹ là tôi không đủ lượng sữa để cung cấp cho con mỗi ngày, tôi gần như bị stress vì điều này, tôi đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu thực dưỡng và năng lượng từ hạt. Chính ngũ cốc đã giúp tôi có nguồn sữa dồi dào và không biết từ bao giờ, việc làm ra ngũ cốc lợi sữa là niềm đam mê và cũng là động lực rất lớn để tôi hình thành dòng sản phẩm “Bột ngũ cốc cao cấp lợi sữa thương hiệu Mẹ Mít Hội An”.

Khi đọc được những câu chuyện này thì những bà mẹ mà đang chăm con bằng sữa mẹ thấy gần gũi, đồng cảm với sản phẩm của bạn thông qua câu chuyện bạn vừa kể.

Thứ 5: Thời gian

Cần có một khoảng thời gian nhất định thì thương hiệu của bạn mới được khách hàng Biết đến – tin yêu, hành trình này có khi mất khoảng vài năm. Nên đừng hi vọng làm ra một sản phẩm tốt là “có thương hiệu” liền ngay từ đầu, nó cần thời gian để khách hàng trải nghiệm dùng sản phẩm, phản hồi sản phẩm, họ lắng nghe các tác động của thị trường đến sản phẩm của bạn.

Thứ 6: Nguồn lực tài chính doanh nghiệp

Ngày nay, những người khởi nghiệp thuận lợi hơn rất nhiều trong việc xây dựng thương hiệu gần như miễn phí thông qua mạng xã hội. Nhưng để thương hiệu thực sự được định vị trong tâm trí khách hàng bạn vẫn cần một nguồn tài chính đầu tư cho việc định vị thương hiệu thông qua các triết lý gắn với thương hiệu, tôi lấy ví dụ: Nếu thương hiệu bạn muốn định vị gắn với giá trị cộng đồng thì bạn cần truyền thông và PR nhiều hơn đến các hoạt động cộng đồng, bạn có thể tham gia đồng hành hoặc tài trợ cho các chương trình cộng đồng và gắn thương hiệu mình vào đó.

Nếu tiềm lực tài chính của bạn mạnh, bạn cũng có thể đẩy mạnh hoạt động PR, Marketing thương hiệu đa kênh, đa nền tảng, điều này cũng giúp cho thương hiệu của công ty, sản phẩm của bạn nhanh được khách hàng biết đến (Nhưng dù sao tôi cũng nhắc lại, chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố cốt lõi và sống còn của doanh nghiệp)

Lời khuyên: Hãy tận dụng mạng xã hội một cách triệt để, đó là kênh làm thương hiệu cực tốt, hãy lập kế hoạch rõ ràng về hướng truyền thông và định vị thương hiệu trên đó

Thứ 7: Nhất quán

Truyền thông đa kênh nhưng phải nhất quán về nội dung, như vậy khách hàng mới nhanh chóng biết bạn là ai, thương hiệu của bạn là gì?

Nhiều doanh nghiệp tôi thấy không đồng nhất thông điệp, nội dung truyền thông, hôm nay một kiểu, ngày mai lại một kiểu khác...làm cho khách hàng rất khó phân biệt, nhận dạng được những gì doanh nghiệp bạn muốn truyền thông. Đặc biệt với những doanh nghiệp có quá nhiều sản phẩm nhưng lại chưa biết đâu là sản phẩm dẫn và đâu là sản phẩm cốt lõi mang lại doanh thu cho doanh nghiệp.

Thứ 8: Khả năng nhận diện thương hiệu

Bằng mọi cách bạn phải làm cho tên thương hiệu, hình ảnh sản phẩm của mình xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi trong thị trường mà bạn đang nhắm tới và trong tâm trí khách hàng. Nhận diện thương hiệu là một cuộc chiến khó khăn để dành lấy vài % trong tâm trí khách hàng về hình ảnh thương hiệu của bạn, để có khả năng nhận diện thương hiệu, bạn cần trả lời 3 vấn đề sau:

  • Khách hàng nhận ra bạn bằng cách nào? Làm sao để họ thấy bạn giữa muôn trùng các sản phẩm trên thị trường
  • Làm sao để khách hàng CẢM NHẬN được những GIÁ TRỊ bạn muốn truyền tải
  • Tên thương hiệu của bạn là gì? Logo như thế nào? Slogan nói lên điều gì? Màu sắc đặc trưng ra sao? Có điều gì liên tưởng ở KHÁCH HÀNG khi nhắc đến LOGO-SLOGAN của bạn

(Download tài liệu miễn phí về kinh doanh và khởi nghiệp: TẠI ĐÂY)

Tác giả:

Nguyễn Bão Quốc

Founder & CEO BQ Training & Consulting Solutions

Thành viên Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia VSMA 

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2022

Hệ thống quy trình doanh nghiệp, nên xây dựng khi nào?

 Trong các lớp học của tôi, khi được hỏi “Doanh nghiệp anh chị đã có hệ thống vận hành chưa?” thì gần như rất nhiều CEO, Quản lý cấp trung đều hoang mang và hoài nghi “Doanh nghiệp của mình có hệ thống vận hành chưa nhỉ?” và nếu có thì nó trông như thế nào?. Nhưng cũng có rất nhiều CEO nói với tôi rằng, họ đã mua những tài liệu bán trên mạng về “hệ thống quy trình vận hành” với rất nhiều tiền nhưng đó chỉ là những Lý thuyết suông và một mớ giấy lộn, nó làm đảo lộn mọi thứ trong doanh nghiệp và không thực sự hiệu quả như những lời quảng cáo.

Tôi rất đồng cảm với những khó khăn mà các anh chị đang gặp phải, trong vai trò nhiều năm đào tạo và cố vấn tôi cũng gặp nhiều câu chuyện dở khóc dở cười như vậy. Doanh nghiệp đang yên ổn, tự dưng áp dụng cái quy trình vào làm rối tung lên, doanh số sụt giảm, con người ra đi, công việc đình trệ…Và cũng có những doanh nghiệp từ khi thành lập đến nay cứ mãi “chạy theo xử lý sự vụ phát sinh” mà không có một cái quy trình chuẩn nào. Và giám đốc thì suốt ngày đi giúp nhân viên xử lý lỗi vi phạm, lỗi phát sinh…đến kiệt sức. Và nhiều người gặp tôi than thở “em làm chủ công ty mà y như đi làm đầy tớ”, tôi cũng từng ở trong trạng thái như bạn vậy cho tới khi tôi phát hiện một điều mà thực ra bạn cũng biết đó là “Doanh nghiệp tự vận hành”

Bạn không nghe lầm đâu “Doanh nghiệp tự vận hành”, nhưng để đưa doanh nghiệp đến được giai đoạn này bạn cũng cần bỏ rất nhiều thời gian công sức xây dựng “Hệ thống quy trình vận hành” cho chính doanh nghiệp của mình, tôi nhắc lại “Chính bạn là người phải đi xây dựng hệ thống quy trình vận hành” chứ không phải “mua hệ thống, tài liệu vận hành của người khác” về áp dụng vào doanh nghiệp của bạn. Chắc chắn sẽ không thành công !

Khẳng định 1: Doanh nghiệp bạn chắc chắn cần có: Hệ thống quy trình vận hành

Khẳng định 2: Bạn phải tự tay xây dựng nó

Mỗi doanh nghiệp là mỗi hình thái khác nhau, văn hóa khác nhau, con người khác nhau và mô hình kinh doanh cũng không giống nhau. Việc đi mua hệ thống quy trình của ai đó giống như bạn “lấy giày của người khác mang vào chân mình” thì làm sao cho nó vừa vặn, thoải mái.

Rất nhiều CEO lại bảo: Tôi làm gì còn thời gian mà đi xây dựng mấy cái này, mà có chắc xây dựng xong rồi nhân viên có theo nó không hay đâu lại vào đấy. Vấn đề nằm ở chỗ “vì bạn không có quy trình, hệ thống” nên bạn mới không có thời gian, vì suốt ngày bạn đi xử lý sự vụ, có những sự vụ lặp đi lặp lại hàng trăm lần như nhau và cũng có những sự vụ phát sinh mới mỗi ngày. Nhưng mỗi khi phát sinh như vậy, bạn lại là người trực tiếp nhúng tay vào giải quyết.

Để có một quy trình hoạt động trơn tru, bạn phải trải qua 4 giai đoạn: THỰC HIỆN – QUYẾT ĐỊNH – TRAO QUYỀN – THIẾT KẾ

Giai đoạn 1: Thực hiện:

Thường giai đoạn này xuất hiện nhiều vào những ngày đầu khởi nghiệp, bạn phải tự tay làm mọi thứ, từ CEO đến lau dọn văn phòng, soạn báo giá, xử lý lời phàn nàn của khách hàng….Bạn chỉ thoát được một phần của giai đoạn này khi bạn tuyển dụng được một vài nhân viên giúp bạn, thay bạn làm một số việc đó. Bạn bước qua giai đoạn 2

Giai đoạn 2: Quyết định

Bạn dành thời gian đọc các báo cáo, quyết định giúp nhân viên sẽ làm gì và không làm gì? Bạn ký vào tất cả giấy tờ, những đề xuất, những góp ý, và những công việc mà nhân viên cần bạn…

Giai đoạn 3: Ủy quyền – trao quyền

Đây là giai đoạn rất quan trọng, bạn giao toàn quyền quyết định một vấn đề nào đó cho nhân viên của mình (họ có thể đúng hoặc sai) nhưng bằng niềm tin và sự động viên bạn cho họ toàn quyền quyết định và tự nhận lấy kết quả và đánh giá kết quả…Điều quan trọng nhất trong giai đoạn này vẫn là NIỀM TIN, bạn có thực sự tin tưởng khi giao phó công việc hay bạn ở trong trạng thái “Doanh nghiệp của mình phải do mình quyết định”

Giai đoạn 4: Thiết kế cuộc chơi

Qua được giai đoạn 3, bạn gần như tách hẳn mình ra khỏi việc điều hành doanh nghiệp, bạn dành rất ít thời gian tham gia vào việc điều hành chung, ở giai đoạn 4 bạn có nhiều thời gian hơn cho việc tìm hiểu khách hàng, thị trường, đối thủ,…Bạn thiết kế lại tổ chức, thiết kế mô hình kinh doanh, làm mới lại các chiến lược phát triển và bạn nhìn doanh nghiệp tự vận hành từ xa.

Doanh nghiệp tự vận hành khi và chỉ khi bạn có đủ hệ thống quy trình tương ứng với mỗi giai đoạn và hệ thống con người giúp bạn thực hiện mọi việc liên quan.

Bạn có thể tham gia các lớp học “Xây dựng quy trình vận hành”, bạn có thể “mua tài liệu” như một tài liệu tham khảo, nhưng chính bạn phải là người tự tay xây lấy doanh nghiệp của mình. Hoặc bạn cũng có thể đồng hành cùng BQ Training theo mô hình Coach 1-1, chúng tôi cam kết sẽ giúp bạn có một hệ thống quy trình bài bản phù hợp với quy mô doanh nghiệp của bạn. BQ Training sẽ giúp bạn: Khai mở tư duy qua các buổi Coaching theo từng modul, cung cấp file hướng dẫn mẫu (nếu bạn chưa biết bắt đầu thế nào), giúp bạn triển khai quy trình đến tổ chức một cách tốt nhất (qua các buổi training on job).

Bạn có thể tham khảo tại đây

Hi vọng, với những chia sẻ trên sẽ giúp ích được các chủ doanh nghiệp!

Chúc bạn thành công!

Nếu muốn liên hệ với chúng tôi, hãy gọi Hotline: 0916145151 – Bạn được 2h tư vấn miễn phí từ tôi

Nguyễn Bão Quốc

Founder & CEO BQ Training

Mentor of VSMA (Viet Nam Startup Mentors Alliance)

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2022

Kỹ thuật đặt câu hỏi trong bán hàng B2B

 Mỗi hình thức bán hàng sẽ cần có một phong cách, kỹ năng và kinh nghiệm riêng. Có những thứ mang tính đặc thù mà nếu người bán hàng chưa từng trải qua thì sẽ rất khó để phán đoán hoặc xử lý tình huống bán hàng cho hiệu quả

B2B: Business to Business (Từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp)

B2C: Business to Customer (Trực tiếp từ doanh nghiệp đến khách hàng, phần lớn là ngành bán lẻ)

B2B2C: Business to Business to Customer (từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp phân phối đến khách hàng)

B2G: Business to Gorvernment (Bán hàng cho chính phủ)

Trong mỗi hình thái bán hàng như vậy sẽ có quy trình, cách tiếp cận, cách thức đàm phán, cách đặt vấn đề khác nhau.

Ví dụ:

  • Trong bán hàng B2C, quyết định mua hàng lớn nhất đến từ khách hàng trực tiếp đi mua, nên điều người bán cần làm là khả năng thuyết phục người mua tại thời điểm đó để chốt sales, nên rất cần kỹ năng chinh phục cảm xúc khách hàng qua ngôn từ, thái độ
  • Ngược lại trong bán hàng B2B, để quyết định một đơn hàng (thường có giá trị rất lớn) thì sẽ phải qua nhiều cấp quyết định: Người đề xuất, người sử dụng, người mua, người quyệt ngân sách….và nó cũng cần thời gian đi đúng quy trình, chính vì vậy cần người bán hàng phải chuyên nghiệp trong các bước để đưa quá trình mua bán đến thành công. Một trong những đặc điểm quan trọng của bán hàng B2B nữa là bạn cần phải hiểu QUY TRÌNH MUA hàng của khách hàng.

[BQ TRAINING là đơn vị tiên phong trong việc đào tạo các khóa học bán hàng B2B thực chiến tại thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng, bạn có thể tham khảo chương trình học tại đây]

Trong bán hàng B2B, một trong những kỹ năng khá quan trọng quyết định thành công của người bán hàng, đó chính là “Kỹ thuật đặt câu hỏi”

Có 2 dạng câu hỏi:

  1. Câu hỏi mở: Là dạng câu hỏi để cho người khác cung cấp thêm thông tin cho mình (what, when,where, who, how)

Vd: Anh/chị cảm thấy sản phẩm em vừa trình bày như thế nào ạ?

Anh/chị cần em giải thích thêm một số tính năng mới của sản phẩm?

Anh/Chị muốn thanh toán bằng tiền mặt hay thẻ visa?

  1. Câu hỏi đóng: Là câu hỏi mang tính chất khẳng định (câu trả lời thường có hoặc không)

Vd: Anh/chị có muốn mua nó không? => Phần lớn sẽ nhận được câu trả lời “Có” hoặc “không”

Em làm hợp đồng cho anh/chị luôn được chưa? => Câu trả lời sẽ là “được” hoặc “chưa”

Điểm cực kỳ quan trọng trong bán hàng B2B là bạn phải nắm được rõ nhu cầu của khách hàng => Lúc đó bạn mới đưa ra giải pháp tư vấn hiệu quả (Nếu không nắm rõ nhu cầu thì bạn chỉ như cái máy thao thao bất tuyệt về sản phẩm của mình), có 4 loại hình đặt câu hỏi sau đây bạn cần nắm

  1. Câu hỏi thông tin cơ bản: Các câu hỏi xoay quanh về tình hình thời tiết, bản thân khách hàng, …mục đích chính của câu hỏi này là để làm thân và tạo niềm tin
  2. Câu hỏi vấn đề: Đặt câu hỏi mở để hiểu rõ hơn nhu cầu thực sự của khách hàng, đây là lúc bạn cần phải lắng nghe nhiều, khơi gợi để khách hàng bộc lộ nhu cầu thực sự của họ, dựa trên những thông tin bạn tiếp nhận được => phân tích => đưa ra giải pháp
  3. Câu hỏi mang tính hiệu quả: Là câu hỏi làm cho khách hàng nhận diện rõ vấn đề họ đang gặp phải hơn, và sau đó nêu sự khác biệt, giải pháp có thể khác phục vấn đề đó từ bạn
  4. Câu hỏi bộc lộ: Đây là dạng câu hỏi đẩy cảm xúc khách hàng tăng cao, tăng khả năng chốt đơn hàng.

Nắm vững quy trình này, bạn sẽ cải thiện tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành khách hàng lên rất nhiều.

Các chủ đề khác về bán hàng: https://bqtraining.edu.vn/blog-va-tin-tuc/

Chúc bạn thành công !

Chuyên gia Nguyễn Bão Quốc vinh dự nhận giải thưởng nhà giáo dục tạo tác động quan trọng nhất (SBC)

  Xuất sắc vượt qua hàng trăm đề cử trên thế giới, ông Nguyễn Bão Quốc đã trở thành 01 trong 05 người (của thế giới) được vinh danh tại buổ...